Sau vụ cháy Carina, nhà đầu tư mua sỉ căn hộ chật vật xả hàng

Thứ tư, 18/04/2018

"Ôm" 12 căn hộ tại quận 9 (Tp.HCM) nhưng từ sau vụ hỏa hoạn tại chung cư Carina, ông Tuấn phải chấp nhận xả hàng từ giá gốc đến chịu lỗ 7% vì bán mãi không có người mua.

Năm ngoái, tại lễ mở bán một dự án chung cư tại khu Đông Sài Gòn có kết nối thuận tiện với tuyến metro đầu tiên của Tp.HCM, ông Tuấn phải huy động người thân đến bốc thăm để mua bằng được 12 căn hộ. Nhưng đến nay, khi thanh khoản thị trường chững lại, ông đứng ngồi không yên vì sắp đến hạn thanh toán 50% giá trị 12 căn nhà.

Ông Tuấn cho biết, 8 tháng trước, ông dự định sẽ bán 6 căn hộ gom được khi dự án bàn giao nhà. Với 6 căn còn lại, ông tính sẽ dùng khoản lãi thu được để trả góp dần, vừa cho thuê vừa bán ra chậm nhất trong khoảng 12-24 tháng.

Dự án hiện đã sắp hoàn thiện nhưng tâm lý người mua đã chùng xuống từ sau vụ cháy Carina ngày 23/3 khiến 13 người chết. Thị trường chung cư trầm lắng khiến ông Tuấn không bán được hàng với giá như dự kiến. Ông Tuấn nói: "Tôi sẽ phải chuẩn bị gần 5 tỷ đồng để nộp cho đợt đóng tiền tiếp theo, nếu không có đủ tiền hoặc thấy thị trường quá căng thẳng, tôi sẽ phải giảm giá 5-7% để xả bớt hàng".

Tương tự ông Tuấn, ông Hàn cũng "ôm" 5 căn chung cư tại khu Nam Tp.HCM. Vì áp lực bán không xong, giữ lại thì đóng tiền không xuể nên ông Hàn buộc phải xả bớt hàng.

Trước đó, cuối năm 2017, mọi người trong gia đình ông Hàn đã luân phiên nhau đặt chỗ mua 5 căn hộ tại một dự án thuộc quận 7, giáp Nhà Bè. Gia đình ông dự định sẽ đầu tư mua đi bán lại và cho thuê. Ông Hàn tiết lộ: "Mới hồi trước Tết môi giới bất động sản còn bảo tôi có thể bán chênh lệch mỗi căn 200 triệu đồng. Vậy mà hiện nay bán giá gốc còn khó khăn do thị trường bị ám ảnh từ vụ cháy chung cư Carina tại quận 8 vừa qua".


Cũng đang giữ 4 căn hộ tại Bình Dương, giáp Tp.HCM qua quận Thủ Đức, bà Nga tự an ủi mình rằng, những căn hộ bà mua chỉ khoảng 1 tỷ đồng/căn và có nhà để xe tách riêng nên sẽ dễ bán hơn những căn phải để xe ở tầng hầm.

Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận vào thời điểm này không dễ để bán căn hộ với giá có lãi như kỳ vọng bởi người mua đang rất hoài nghi về độ an toàn của nhà chung cư. Bà Nga giãi bày: "Nếu phải ôm mãi 4 căn hộ này trong vòng 6-8 tháng tới thì tôi cũng không còn tiền để đóng đúng tiến độ công trình. Nếu tâm lý thị trường căn hộ ngày càng nặng nề thì tôi đành chấp nhận bán tháo cắt lỗ để giảm rủi ro".

Tại buổi báo cáo thị trường bất động sản Tp.HCM quý I/2018 do CBRE Việt Nam tổ chức, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho biết, chắc chắn thị trường căn hộ sẽ bị ảnh hưởng sau vụ cháy chung cư Carina vừa qua.

Về tác động của vụ cháy đến giá căn hộ, bà Dung phân tích, trên thị trường sơ cấp, chủ đầu tư chào bán lần đầu, giá căn hộ sẽ không bị ảnh hưởng, thậm chí vẫn ở mức cao như thời gian qua. Bởi chi phí đầu vào không giảm nên giá bán (đầu ra) rất khó bị sụt giảm.

Mặc dù vậy, bà Dung cũng nhận định, vì thị trường thứ cấp khá rộng nên rất khó đoán diễn biến của thị trường này. Nhà đầu tư mua đi bán lại căn hộ với nhiều mức giá khác nhau tùy theo cảm quan. Việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ giảm giá do nhiều lý do và rất khó có thể xác định.

Đánh giá về thanh khoản và mãi lực của thị trường căn hộ trong quý II/2018, bà Dung cho rằng chưa thể vội kết luận từ diễn biến thực tế mà cần thêm thời gian để kiểm chứng.

Trong khi đó, ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế Tp.HCM cho biết, sự cố cháy chung cư vừa qua đã khiến hành vi tiêu dùng và đầu tư căn hộ của người dân thay đổi đáng kể.

Vị này dự báo, ít nhất trong 6-12 tháng tới, tâm lý lo ngại vẫn sẽ bao trùm thị trường căn hộ. Người mua nhà vẫn sẽ e ngại căn hộ chung cư vì lo lắng về vấn đề an toàn cháy nổ. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, vấn đề quan ngại nhất là nhóm khách hàng mua sỉ căn hộ để đầu tư (khách hàng mua đi bán lại) có thể xả hàng.

Ông Nghĩa cho rằng, rất khó dự đoán thị trường thứ cấp vì không thể xác định cụ thể dòng vốn của nhà đầu tư đến từ những nguồn nào, có dùng đòn bẩy tài chính không. Nếu có sử dụng đòn bẩy, tỷ lệ vay là bao nhiêu và họ nắm giữ số lượng ở mức độ nào. Ông Nghĩa nói: "Với những nhà đầu tư đang ôm số lượng căn hộ lớn, viễn cảnh bán tháo để tránh ứ đọng hàng quá lâu và cân đối tài chính có thể dẫn đến việc giảm giá sản phẩm. Thế nhưng đây chỉ là lát cắt nhỏ và không phải là đại diện cho toàn thị trường".

(Theo Vnexpress) 

BẤT ĐỘNG SẢN NỔI BẬT